Bối cảnh ra đời Kế_hoạch_Manstein

Ngày 9 tháng 10 năm 1939, Hitler đã ban hành Chỉ thị Fürer số 6 mà nội dung là chuẩn bị kế hoạch xâm lược Pháp và các nước Vùng đất thấp.[3] Theo chỉ thị này, Bộ Tư lệnh Lục quân (Oberkommando des Heeres - OKH) mà cụ thể là tướng von Brauchitsch - Tư lệnh Lục quân và tướng Franz Halder, Tham mưu trưởng được giao nhiệm vụ chuẩn bị kế hoạch tác chiến. Ngày 9 tháng 9 năm 1939, bản kế hoạch đầu tiên, Aufmarschanweisung N°1 - Fall Gelb, được trình bày cho Hitler. Ngày 29 tháng 10, một vài điểm sửa đổi khác được đưa ra trong bản kế hoạch thứ 2 và sau đó có nhiều sửa đổi nhỏ theo cùng ý đồ cho đến tận lúc thay đổi hoàn toàn theo ý tưởng của von Manstein.

Kế hoạch của OKH

Aufmarschanweisung N°1.Aufmarschanweisung N°2.

Mục tiêu của bản kế hoạch thứ nhất bám sát theo "Chỉ thị Fürer số 6", được nêu rõ là "Đánh bại lực lượng nhiều nhất có thể của Quân đội Pháp và Đồng Minh, đồng thời chiếm càng nhiều càng tốt lãnh thổ của Hà Lan, Bỉ và miền Bắc Pháp vừa để làm bàn đạp cho hoạt động trên không và trên biển chống lại Anh vừa mở rộng không gian bảo vệ cho vùng Rhur".[4] Trong bản kế hoạch thứ 2, mục tiêu được sửa đổi lại là "...làm bàn đạp cho hoạt động trên không và trên biển chống lại Anh và Pháp".[5]

Theo mục tiêu đó, điểm nỗ lực tấn công chính được đặt vào trung tâm nước Bỉ. Cụm Tập đoàn quân B của tướng Fedor von Bock gồm 30 sư đoàn bộ binh được giao nhiệm vụ chủ công, chia thành 2 mũi: phía Bắc Liège của Tập đoàn quân 6 và Tập đoàn quân 2 (theo sau), phía Nam Liège của Tập đoàn quân 4.[6] Hầu hết lực lượng cơ động, gồm 9 sư đoàn thiết giáp và 4 sư đoàn bộ binh cơ giới hóa, đều được chia cho 2 mũi này, với kỳ vọng làm mũi nhọn xuyên thủng phòng tuyến của Đồng Minh và phát triển về bờ biển Flanders.[6] Đồng thời, Tập đoàn quân 18 sẽ tấn công Hà Lan để chiếm các sân bay ở đây làm căn cứ triển khai hỗ trợ cho mặt trận Bỉ.

Theo kế hoạch, nhiệm vụ hộ sườn cho Cụm Tập đoàn quân B được giao cho Cụm Tập đoàn quân A của tướng Gerd von Rundstedt, gồm 20 sư đoàn bộ binh (không có lực lượng cơ động).[6] Sau khi tập kết ở miền Nam Bỉ và Luxembourg, Cụm Tập đoàn quân A cũng chia làm 2 mũi: Tập đoàn quân 12 bám sát sườn trái dọc đường tiến của cánh Nam (Cụm Tập đoàn quân B) để làm đai bảo vệ gần; Tập đoàn quân 16 sẽ thiết lập các vị trí bảo vệ từ xa, bắt đầu từ phía Bắc chiến tuyến Maginot của Pháp chạy về phía Tây giữa vùng Saar và sông Meuse đoạn phía Đông Sedan.[4]

Trong phiên bản kế hoạch thứ hai, Tập đoàn quân 18 của Cụm Tập đoàn quân B có nhiệm vụ tấn công Hà Lan cũng được gom vào cánh chủ công tạo thành 2 mũi mạnh, mỗi mũi 2 Tập đoàn quân [6] còn Cụm Tập đoàn quân A phải vươn tầm hộ sườn tới Nam Fumay theo hướng Laon.[5] Ngày 11 tháng 11, Hitler ra một chỉ thị mới, trong đó yêu cầu đưa Quân đoàn Thiết giáp 19 tập trung ở khu vực Dinant để lập thêm mũi chủ công thứ 3, và dẫn tới những phiên bản sửa đổi khác.[7] Tuy nhiên, ý đồ của các phiên bản kế hoạch của OKH đều như nhau: đoán trước ý định Đồng Minh tập kết chủ lực ở miền Trung nước Bỉ và tập trung sức mạnh vào cánh phải để tấn công trực diện khối quân đó trong khi duy trì cánh trái tương đối yếu làm nhiệm vụ hộ sườn.[5]

Ý kiến phản đối

Kế hoạch Schlieffen và phương án XVII của Pháp 1914.

Với cùng ý tưởng là tập trung quân vào cánh phải mạnh đi qua Bỉ, bản kế hoạch của OKH thường được so sánh với kế hoạch Schlieffen vào năm 1914.[8] Tuy nhiên, hai bản kế hoạch lại khác hẳn nhau.

Điểm khác biệt đầu tiên là kế hoạch Schlieffen là sử dụng cánh phải mạnh để thọc sườn quân Pháp từ phía Bắc, từ đó phát triển xuống phía Nam rồi vòng lại phía Đông để bao vây toàn bộ chủ lực Pháp,[9] trong khi đó kế hoạch OKH chỉ nhắm đạt một phần chiến thắng bằng cách đánh bại Đồng Minh ở phía Bắc và chiếm bờ biển cho hoạt động trên không và trên biển kế tiếp.[5]

Tại thời điểm 1914, kế hoạch Schlieffen tạo được bất ngờ chiến lược khi nhử cho Pháp tập trung quân tấn công khu vực Lorraine của Đức.[10] Tại thời điểm 1940, Đồng Minh đã củng cố phòng tuyến Maginot và sẵn sàng đón đầu mũi tấn công mạnh vào Trung bộ nước Bỉ.[11] Do thiếu bất ngờ chiến lược, nên trong trận đánh trực diện này chiến thắng phụ thuộc vào khả năng tạo bất ngờ chiến thuật. Với sự hỗ trợ của một hệ thống pháo đài và công sự kiên cố, Đồng Minh thậm chí có thể giành chiến thắng trước Cụm Tập đoàn quân B ngay ở Bỉ.[12]

Một điểm rủi ro khác của kế hoạch, theo von Manstein là chỉ huy Pháp có thể đưa ra một phương án đối phó táo bạo: vừa cản phía trước vừa triển khai một cuộc phản công quy mô lớn vào sườn Nam của mũi chủ công.[13] Mũi chủ công tiến càng xa thì rủi ro càng lớn, và nếu phía Pháp tập hợp được khoảng 60 sư đoàn thì Cụm Tập đoàn quân A không đủ sức ngăn cản được cuộc phản công.[13]

Những ý kiến phản đối này xuất phát trước hết từ Ban Tham mưu của Cụm Tập đoàn quân A mà von Manstein là Tham mưu trưởng, được sự chia sẻ của tướng von Rundstedt - Tư lệnh Cụm Tập đoàn quân.[14] Tuy nhiên, những ý kiến này đã không đủ thời gian để thành hình một ý tưởng khác và trở thành một kế hoạch được chấp thuận nếu như von Brauchitsch và Franz Halder không tìm cách viện cớ quân đội chưa sẵn sàng sau chiến dịch Ba Lan để trì hoãn thời gian bắt đầu chiến dịch.[15]